Nghiệm thu, bàn giao công trình thực hiện phong trào “Chung sức, chung lòng xây dựng nông thôn mới” của Khối Thi đua 9 cho nhân dân thôn Dốc Lăng, xã Thuận Minh, huyện Hàm Thuận Bắc
Uỷ ban nhân dân tỉnh đồng ý chủ trương chấm dứt hoạt động của dự án nhà Nghỉ điều dưỡng Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam.
Kết luận thanh tra trách nhiệm người đứng đầu trong việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng đối với Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Triển khai thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng đối với Giám đốc Sở Thông tin và truyền thông
Ủy ban nhân dân tỉnh thu hồi dự án khu du lịch Tân An Thịnh
Gia hạn thời gian báo cáo vụ việc của ông Đào Hữu Bá
Trả lời đơn của công dân
 

 Du lịch Bình Thuận qua ảnh

 

Văn hóa ứng xử của người cán bộ thanh tra trong giải quyết khiếu nại, tố cáo

Xây dựng văn hóa ứng xử trong quá trình giải quyết khiếu nại của người cán bộ Thanh tra là một quá trình khó khăn và phức tạp, đòi hỏi phải có thời gian và kết hợp nhiều biện pháp. Văn hóa ứng xử phải được xây dựng trên nền tảng của nhận thức hay nói cách khác, không có năng lực, trình độ thì không thể có văn hóa trong ứng xử.

I - Một số đặc điểm của công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Theo qui định của Luật khiếu nại, tố cáo, “khiếu nại là việc công dân, cơ quan, tổ chức theo thủ tục do Luật này qui định, đề nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính khi có căn cứ cho rằng, quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình” và “tố cáo là việc công dân theo thủ tục do Luật này qui định, báo cho cơ quan, tổ chức có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào xâm hạm hoặc đe dọa xâm phạm đến lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân”. Như vậy, giữa khiếu nại và tố cáo là hai khái niệm khác nhau với trình tự, thủ tục và thẩm quyền giải quyết cũng khác nhau nhưng quá trình giải quyết khiếu nại và giải quyết tố cáo đều có một số đặc điểm chung sau đây:

1- Vai trò của người giải quyết khiếu nại, tố cáo là vai trò của người thứ ba. Sự xuất hiện của người giải quyết khiếu nại, tố cáo là nhằm xử lý các vấn đề pháp lý giữa 2 bên: bên kiện (người khiếu nại, người tố cáo) với bên bị kiện (người bị khiếu nại, người bị tố cáo). Trừ những trường hợp giải quyết khiếu nại lần đầu (người bị khiếu nại đồng thời là người giải quyết khiếu nại) mà hiện nay nhiều người quan niệm đó đơn thuần chỉ là quá trình tự xem xét lại quyết định, hành vi bị khiếu nại, còn lại thông thường vai trò của người giải quyết khiếu nại, tố cáo là vai trò của người xử kiện, của người tài phán. Ở vị trí này, người giải quyết hay gặp phải sự phản kháng của một trong hai bên (bên kiện hay bên bị kiện) hoặc thậm chí gặp sự phản kháng của bai bên. Do đặc điểm của truyền thống văn hóa, pháp lý và thể chế bộ máy của nước ta, cả khiếu nại, tố cáo đều phần nhiều xuất phát từ yếu tố lợi ích (hay lợi quyền). Khi lợi ích đã trở thành mục tiêu và động lực thì tâm lý cay cú ăn thua đương nhiên xuất hiện. Điều này đòi hỏi người giải quyết phải có những hành vi ứng xử chuẩn mực đến tầm văn hóa đối với cả hai bên.

2- Ý thức trách nhiệm của công chức và ý thức pháp luật của người dân còn nhiều hạn chế: Đây vừa là đặc điểm, vừa là khó khăn lớn nhất mà người giải quyết khiếu nại, tố cáo phải đối mặt trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo hiện nay. Trong nhiều trường hợp, hành động của người công chức không được dựa trên chuẩn mực pháp luật qui định về quyền và nghĩa vụ của họ mà dựa trên những suy nghĩ mang tính cá nhân và phụ thuộc vào nhận thức (đôi khi rất hạn hẹp) của bản thân người cán bộ, công chức. Về phía người dân, phần lớn họ chưa quen với việc sống và làm việc theo pháp luật, chưa quen với việc hành động với ý thức trách nhiệm công dân và rất ít người có ý thức cộng đồng. Tư tưởng tiểu nông còn sâu nặng trong tiềm thức của phần lớn dân chúng. Khi khiếu kiện, họ hầu như chỉ quan tâm đến một điều: đó là quyền lợi của họ, mà bỏ qua pháp luật cũng như trách nhiệm công dân.

Đây là một thách thức lớn cho người cán bộ thanh tra làm công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo nếu họ muốn hành động có văn hóa.

3- Hệ thống pháp luật làm cơ sở để giải quyết các vụ việc có nhiều thay đổi, còn nhiều khiếm khuyết, lỗ hổng và bất cập. 65 năm qua, chúng ta đã trải qua những giai đoạn khác nhau của tiến trình lịch sử. Ở mỗi giai đoạn đã có sự khác biệt, thậm chí là trái ngược về quan điểm và nhận thức. Điển hình là quan điểm và nhận thức về vấn đề sở hữu (công hữu và tư hữu). Mỗi sự thay đổi đó kéo theo sự thay đổi lớn của thể chế pháp luật. Mặt khác, hệ thống các văn bản pháp luật hiện còn thiếu đồng bộ, mâu thuẫn, chồng chéo và thiếu tính pháp chế khá nghiêm trọng. Đó là chưa kể đến những bất cập trong các văn bản pháp luật. Thực tế cho thấy nhiều qui định của pháp luật rõ ràng là không phù hợp với đời sống xã hội, thậm chí đến mức không thể chấp nhận được, nhưng vẫn còn đang tồn tại mà không được điều chỉnh kịp thời. Có thể nói pháp luật là thước đo muốn hành động một cách có văn hóa trong giải quyết khiếu nại, tố cáo, chúng ta cần phải có một cái thước chuẩn, trong trường hợp thước không chuẩn, người giải quyết khiếu nại, tố cáo phải suy nghĩ xem làm thế nào để có văn hóa?

4- Quan hệ dụng tình trong hoạt động công vụ và những hệ lụy từ tình trạng quan liêu, tham nhũng, cục bộ, địa phương: đặc điểm chi phối các quan hệ trong nền hành chính ở Việt Nam là quan hệ duy tình. Việc giải quyết các vấn đề ở nước ta không thể chỉ dựa vào pháp luật, trên cơ sở pháp luật một cách tuyệt đối (hay huy lý tuyệt đối) mà bao giờ cũng mang màu sắc tình cảm. Thực tế nhiều khi người ta đòi hỏi việc giải quyết đã “đạt lý” rồi lại còn phải “thấu tình”, thậm chí nếu không “thấu tình” thì dẫu có “đạt lý” cũng không được chấp nhận. Điều nguy hại là mức độ duy tình trong nền hành chính nặng đến mức dẫn đến việc xử lý tùy tiện, dựa trên cảm tính, bao che và bảo thủ. Người giải quyết khiếu nại, tố cáo phải nhận thức được thực trạng này. Đó là chưa kể đến những hệ lụy của tình trạng trách nhiệm, quan liêu. Trên thực tế, những năm qua, tham nhũng đã phát tác đến mức làm đảo lộn một số giá trị đạo đức là làm sai lệch hoạt động bình thường của các cơ quan nhà nước. Do đó, đối với một người giải quyết khiếu nại, tố cáo chân chính, trong nhiều trường hợp, chân lý không dễ dàng được thừa nhận và lại càng không phải là đương nhiên được thừa nhận. Ngoài ra, tư tưởng bản vị, cục bộ, địa phương cũng là một đặc điểm cần lưu ý. Tư tưởng này chi phối những việc làm bảo thủ, bỏ qua lợi ích chung, chỉ hướng đến lợi ích của một nhóm người, của một vùng miền. Thậm chí, nó là nguyên nhân dẫn đến những quyết định, những cách làm sai trái, những cách làm “không giống ai”. Đây cũng là một đặc điểm hay một sự cản trở nữa cho ý tưởng xây dựng văn hóa thanh tra trong giải quyết khiếu nại, tố cáo.

II - Thẩm quyền và trách nhiệm của Thanh tra trong giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Theo qui định của Luật khiếu nại, tố cáo năm 1998 (được sửa đổi, bổ sung năm 2004 và 2005), thẩm quyền giải quyết các khiếu nại, tố cáo cơ bản thuộc về các cơ quan hành chính nhà nước. Đối với các cơ quan Thanh tra, chỉ riêng Thanh tra Chính phủ là cơ quan duy nhất có thẩm quyền giải quyết khiếu nại đối với những vụ việc mà thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ đã giải quyết lần đầu. Trong xu hướng thu gọn đầu mối các cơ quan thuộc Chính phủ và giao thẩm quyền quản lý nhà nước trên các lĩnh vực hoạt động của các cơ quan này cho các Bộ thì hầu như không có vụ việc nào được đưa lên Thanh tra Chính phủ để giải quyết. Như vậy, chức năng chủ yếu của các cơ quan Thanh tra là xác minh, kết luận, kiến nghị việc giải quyết khiếu nại thuộc thẩm quyền của thủ trưởng cơ quan quản lý cùng cấp và xác minh, kết luận nội dung tố cáo, kiến nghị biện pháp xử lý tố cáo của thủ trưởng cơ quan quản lý cùng cấp khi được giao.

Theo qui định của Luật khiếu nại, tố cáo: “giải quyết khiếu nại” là việc xác minh, kết luận và ra quyết định đánh giá, còn “giải quyết tố cáo” là việc xác minh, kết luận và quyết định xử lý tố cáo. Đối chiếu với các qui định này của Luật thì rõ ràng, các công việc và trách nhiệm của Thanh tra chỉ chiếm một phần trong quá trình giải quyết. Điểm dễ nhận thấy nhất là các cơ quan Thanh tra không có quyền quyết định việc giải quyết, đây là công việc thuộc thẩm quyền của các cơ quan hành chính.

Về nhiệm vụ, đối với cả khiếu nại và tố cáo thì các cơ quan Thanh tra đều có nhiệm vụ chủ yếu là thu thập các bằng chứng, chứng cứ, làm rõ nội dung vụ việc và kiến nghị phương thức, cách thức giải quyết. Điều này nảy sinh vấn đề trong mối quan hệ với thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước trong những trường hợp có “độ vênh” giữa kết quả xác minh, kết luận của Thanh tra đối với quyết định giải quyết của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Trong những trường hợp này, để có được hành vi ứng xử chuẩn mực không chỉ đòi hỏi năng lực, trình độ, nhận thức, thái độ làm việc mà còn đòi hỏi cả bản lĩnh của người cán bộ Thanh tra.

* *

*

Từ những sự phân tích ở trên có thể rút ra một số yêu cầu đối với người cán bộ Thanh tra trong giải quyết khiếu nại, tố cáo thể hiện nét văn hóa:

Thứ nhất, đó phải là người có nhận thức đúng đắn về bản chất của công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, phải luôn luôn quan niệm đó là trách nhiệm của các cơ quan nhà nước mà bản thân người cán bộ Thanh tra đang làm đại diện. Khi tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo, người cán bộ Thanh tra phải nhận thức rằng mình là đại diện cho một Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Trong khi đó, quyền khiếu nại, tố cáo là quyền cơ bản của công dân. Trong một nền kinh tế thị trường, định hướng XHCN thì Nhà nước làm dịch vụ công, Nhà nước có trách nhiệm bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Nhà nước cũng có trách nhiệm bảo vệ kỷ cương, pháp luật, duy trì và thực thi công lý. Trong giải quyết khiếu nại, tố cáo, người cán bộ Thanh tra có văn hóa phải là người thấm nhuần các quan điểm, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước về Nhà nước dân chủ kiểu mới. Đồng thời, phải thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ, về phẩm chất đạo đức cách mạng của người cán bộ công chức. Nếu thiếu nền tảng nhận thức này, sẽ không thể xây dựng được văn hóa thanh tra nói chung và văn hóa trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của người cán bộ Thanh tra nói riêng.

Thứ hai, phải nắm vững những đặc điểm của công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo ở nước ta để có phương thức, cách thức ứng xử phù hợp. Đây là một vấn đề rất phức tạp, bao gồm cả sự chấp nhận thực tế để có giải pháp hướng đến hiệu quả công việc và hướng đến những mục tiêu cao cả. Đồng thời, nó cũng bao gồm cả quá trình đấu tranh, từng bước khắc phục những nhược điểm, khuyết tật, vươn đến những điều tốt đẹp hơn. Người cán bộ Thanh tra có văn hóa phải là người góp phần xác lập những giá trị mới, những tư duy mới. Đây là một quá trình khó khăn hơn rất nhiều sự chấp nhận. Đôi khi, cái mới không dễ được đánh giá đúng và không dễ được thừa nhận. Vấn đề là năng lực, trình độ, tâm thế của người cán bộ Thanh tra được thể hiện như thế nào để có sức thuyết phục. Mặt khác, hành vi ứng xử có văn hóa của người cán bộ Thanh tra không chỉ thể hiện ở sự vận dụng pháp luật một cách cứng nhắc, vô cảm. Qua giải quyết khiếu nại, tố cáo, người cán bộ Thanh tra phải góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, khắc phục những bất cập, đưa pháp luật vào cuộc sống.

Thứ ba, người cán bộ Thanh tra phải hiểu rõ quyền hạn và trách nhiệm của mình trong giải quyết khiếu nại. Chỉ có nắm vững những qui định của pháp luật về những việc gì mình được làm, phải làm và không được làm người cán bộ Thanh tra mới có được hành vi ứng xử đúng đắn. Tính chất công việc xác minh, làm rõ nội dung vụ việc đòi hỏi họ phải cẩn trọng, tỉ mỉ, biết lắng nghe. Để có được những kiến nghị xác đáng, người cán bộ Thanh tra phải biết tổng hợp, phân tích các vấn đề một cách khách quan, toàn diện. Hơn nữa, việc hiểu rõ vai trò, trách nhiệm của mình, xác định đúng vị trí của mình cũng làm cơ sở để người cán bộ Thanh tra có hành vi ứng xử đúng mực trong quá trình thực thi nhiệm vụ. Có hai khuynh hướng cần phải tránh: Một là, thiếu trách nhiệm, bàng quan với kết quả cuối cùng của quá trình giải quyết với tâm lý cho rằng xác minh là một việc, còn kết luận và xử lý thế nào lại là việc khác, thuộc thẩm quyền của người khác. Hai là, ảo tưởng, mơ hồ về nhiệm vụ, quyền hạn của mình dẫn đến những lời nói, việc làm không đúng.

Như vậy, xây dựng văn hóa ứng xử trong quá trình giải quyết khiếu nại của người cán bộ Thanh tra là một quá trình khó khăn và phức tạp, đòi hỏi phải có thời gian và kết hợp nhiều biện pháp. Văn hóa ứng xử phải được xây dựng trên nền tảng của nhận thức hay nói cách khác, không có năng lực, trình độ thì không thể có văn hóa trong ứng xử. Sẽ là duy ý chí và chắc chắn sẽ thất bại nếu như xây dựng văn hóa ứng xử mà lại chỉ sử dụng biện pháp phát động theo kiểu chiến dịch. Nó phải được làm từng bước, xây dựng từng nhân tố mà quan trọng nhất là nhân tố con người. Kế đến, phải có một cơ chế tốt, đủ sức thiết lập và duy trì các giá trị văn hóa mang tính thời đại. Và cuối cùng, cần phải có một môi trường xã hội lành mạnh nuôi dưỡng những chuẩn mực đạo đức chi phối các hành vi ứng xử của tất cả mọi người, mà tự tôn nhất, tự trọng nhất, tự giác nhất là những người cán bộ, công chức, trong đó có những cán bộ Thanh tra./.

Vũ Văn Chiến

Tổng biên tập TCTT

Thanhtravietnam.vn

 
 

Thiết kế bởi Cục Thống kê tỉnh Bình Thuận

Chuyên trang Khiếu nại tố cáo
Chiệu tránh nhiệm chính: Thanh tra tỉnh Bình Thuận
Địa chỉ: 91 Tôn Đức Thắng, Tp. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận
Điện thoại: 0252.3825832 - Fax : 0252.3825832
Email: tt@binhthuan.gov.vn