Nghiệm thu, bàn giao công trình thực hiện phong trào “Chung sức, chung lòng xây dựng nông thôn mới” của Khối Thi đua 9 cho nhân dân thôn Dốc Lăng, xã Thuận Minh, huyện Hàm Thuận Bắc
Uỷ ban nhân dân tỉnh đồng ý chủ trương chấm dứt hoạt động của dự án nhà Nghỉ điều dưỡng Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam.
Kết luận thanh tra trách nhiệm người đứng đầu trong việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng đối với Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Triển khai thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng đối với Giám đốc Sở Thông tin và truyền thông
Ủy ban nhân dân tỉnh thu hồi dự án khu du lịch Tân An Thịnh
Gia hạn thời gian báo cáo vụ việc của ông Đào Hữu Bá
Trả lời đơn của công dân
 

 Du lịch Bình Thuận qua ảnh

 

Ý nghĩa của công tác dân nguyện trong giải quyết khiếu nại

Trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa, Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm đến công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, cơ quan, tổ chức.

Đó chính là biện pháp nhằm bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân, qua đó bảo vệ, khôi phục các quyền và lợi ích hợp pháp của họ khi bị xâm hại, đồng thời xử lý kịp thời, chính xác, nghiêm minh các hành vi trái pháp luật, thể hiện đúng bản chất tốt đẹp của Nhà nước ta - Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Pháp luật nước ta đã qui định, giám sát là một trong ba chức năng quan trọng của Quốc hội. Quốc hội thực hiện quyền giám sát tối cao hoạt động của các cơ quan nhà nước, nhằm đảm bảo các nghị quyết và luật do Quốc hội ban hành, được các cơ quan nhà nước thực hiện nghiêm chỉnh vì lợi ích của nhân dân. Do vậy, chức năng giám sát là chức năng thể hiện rõ nét nhất vai trò đại diện của Quốc hội. Pháp luật đã trao cho Quốc hội quyền giám sát tối cao, nhưng quyền này có trở thành hiện thực hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó công cụ và phương tiện giám sát là hết sức quan trọng nhằm đảm bảo hiệu quả và hiệu lực của hoạt động giám sát của Quốc hội. Trong những năm đổi mới vừa qua, Quốc hội đã nghiên cứu và đưa vào áp dụng nhiều công cụ giám sát quan trọng như thảo luận tại các kỳ họp; chất vấn tại các phiên họp toàn thể; bỏ phiếu tín nhiệm các đối tượng do Quốc hội bầu ra; chuyển cơ quan Kiểm toán thành cơ quan độc lập chỉ chịu trách nhiệm trước Quốc hội; Ban hành Luật Giám sát của Quốc hội; thành lập Ban Dân nguyện là cơ quan chuyên môn trực thuộc Uỷ ban thường vụ Quốc hội, có trách nhiệm giúp Uỷ ban thường vụ Quốc hội về công tác dân nguyện. Nhìn chung, những công cụ này đã góp phần tích cực tăng cường hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội. Mặc dù vậy, tính hình thức trong hoạt động giám sát vẫn còn phổ biến. Để hoạt động giám sát ngày càng có hiệu quả, ngày 15 tháng 10 năm 2008 Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 695/2008/NQ-UBTVQH12, về việc sửa đổi, bổ sung nghị quyết số 370/2003/NQ-UBTVQH11 ngày 17 tháng 3 năm 2003 về việc thành lập Ban dân nguyện thì Ban dân nguyện có vai trò rất quan trọng trong giải quyết khiếu nại, được cụ thể ở những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:

“Điều 2....

1. Tiếp công dân và tổ chức tiếp công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị với Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội; khi cần thiết, phối hợp với Thường trực Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và cơ quan hữu quan tiếp công dân.

...4. Tổng hợp kết quả tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn, thư của công dân và kết quả hoạt động giám sát của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Ban của Ủy ban thường vụ Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội về việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, định kỳ báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội theo Quy chế hoạt động của Ủy ban thường vụ Quốc hội và Nội quy kỳ họp Quốc hội.

5. Giúp Ủy ban thường vụ Quốc hội tổ chức Đoàn giám sát việc thi hành pháp luật về khiếu nại, tố cáo. Trong trường hợp cần thiết, đề xuất với Ủy ban thường vụ Quốc hội giám sát việc giải quyết vụ việc khiếu nại, tố cáo cụ thể mà công dân có đơn gửi Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội hoặc theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức hữu quan....”

Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, việc lắng nghe, xử lý ý kiến, kiến nghị của cử tri và đôn đốc, theo dõi, giám sát việc giải quyết các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị là một nhiệm vụ rất quan trọng của Quốc hội. Trong hoạt động giám sát của Quốc hội, một nội dung hết sức quan trọng là xem xét và giải quyết các nguyện vọng chính đáng của người dân. Người dân đến với Quốc hội để bày tỏ nguyện vọng của mình với niềm tin vào khả năng cũng như trách nhiệm của Quốc hội trong việc giúp họ đạt được các nguyện vọng của mình. Nguyện vọng của người dân có thể phân làm hai nhóm:

Một là, những nguyện vọng liên quan trực tiếp đến lợi ích của cá nhân người đề đạt về cách hành xử không phù hợp với chuẩn mực của một tập thể hoặc cá nhân cán bộ công chức nhà nước như tham nhũng, lợi dụng chức quyền, xâm phạm tới quyền, lợi ích của công dân. Người dân đến với Quốc hội với hy vọng rằng, quyền lợi chính đáng của họ sẽ được bảo vệ; họ sẽ được đối xử công bằng trước pháp luật. Nhóm nguyện vọng này thường là các khiếu nại và tố cáo của người dân, khi quyền và lợi ích của họ bị xâm phạm. Ước tính, hàng năm có khoảng 14.000 đơn thư khiếu nại, tố cáo của người dân gửi tới Quốc hội. Thông thường, người dân khiếu kiện lên Quốc hội vì không còn biết trông chờ hoặc hy vọng được vào các thiết chế khác để giải quyết vấn đề bức xúc của mình và tin rằng chỉ có Quốc hội là cơ quan đại diện cho ý chí và nguyện vọng của họ mới có thể giúp giải quyết được. Như vậy, cho dù người dân đến với Quốc hội vì lý do nào đi nữa thì đó cũng là quyền chính đáng của người dân. Đối với Quốc hội, là cơ quan đại diện cho ý chí và nguyện vọng của người dân, Quốc hội có nhiệm vụ phải giải quyết thấu đáo nguyện vọng của người dân theo thẩm quyền và năng lực tương xứng của mình.Xét trường hợp mà người dân không còn biết trông cậy vào các thiết chế khác, thì không còn ai khác mà chính Quốc hội phải “xắn tay” lên vào việc. Muốn có những đánh giá, những kết luận đúng, để đưa ra các khuyến nghị và giải pháp hợp lý, Quốc hội không chỉ cần có thẩm quyền, mà còn cần phải có năng lực đánh giá cũng như năng lực điều tra riêng của mình hoặc phải “trông cậy” vào kết quả điều tra của một cơ quan điều tra hoàn toàn độc lập với các cơ quan hành chính. Trong trường hợp thứ hai, khi người dân chưa sử dụng hết hỗ trợ của các cơ quan bảo vệ pháp luật vì không hiểu biết hay vì họ chỉ tin vào khả năng của Quốc hội trong việc giải quyết các bức xúc của mình thì Quốc hội phải là người hướng dẫn cho người dân qui trình, thủ tục cần thiết, giới thiệu các cơ quan mà người dân có thể đến để yêu cầu được giải quyết các nguyện vọng chính đáng của mình. Chỉ khi nào người dân đã sử dụng hết các khả năng sẵn có theo qui định của pháp luật mà vẫn không đem lại kết quả mong muốn thì lúc đó Quốc hội mới tiến hành theo các thủ tục của Quốc hội.

Hai là, những góp ý, những mong muốn của người dân về một chủ trương, chính sách nào đó của nhà nước, hoặc góp ý về tổ chức, hoạt động và cách ứng xử của cơ quan, chính quyền các cấp. Những nguyện vọng loại này không vì lợi ích cá nhân của người đề đạt, mà xuất phát từ lợi ích chung của một bộ phận cộng đồng hoặc của toàn xã hội. Ví dụ như kiến nghị ban hành mới, hoặc sửa đổi một chính sách, một văn bản pháp luật; góp ý cho cải cách hành chính của một cơ quan chính quyền, một bộ, ngành;... Đây là một kênh thông tin quan trọng để nhà nước nói chung và Quốc hội nói riêng có được những phản biện trong xã hội về các chính sách và luật pháp mà mình ban hành; các chiến lược phát triển kinh tế xã hội và cải cách hành chính, cải cách pháp luật của nhà nước;... để từ đó có những đánh giá và điều chỉnh chính sách và hoàn thiện bộ máy nhà nước cho phù hợp.

Việc tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn, thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo

Trong những năm gần đây việc công dân trực tiếp đến các cơ quan của Quốc hội đưa đơn khiếu nại, tố cáo tăng đáng kể; gay gắt, bức xúc nhất là các khiếu nại liên quan đến việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, thực hiện bồi thường, bố trí tái định cư; khiếu nại đòi lại đất trước đây đã đưa vào tập đoàn sản xuất; khiếu nại đòi lại đất do nông, lâm trường quản lý. Đây là nội dung mà công dân thường tập trung khiếu nại đông người, vượt cấp lên các cơ quan trung ương. Việc khiếu nại, tố cáo của công dân diễn ra gay gắt, phức tạp, ở một số nơi công dân khiếu nại, tố cáo vượt ngoài khuôn khổ quy định của pháp luật; tình trạng nhiều người khiếu nại, tố cáo mang theo băng rôn, khẩu hiệu diễu hành trên đường phố xảy ra nhiều hơn những năm trước; một số người đi khiếu nại, tố cáo có tính chất gây sức ép, đưa ra những yêu sách bất chấp các quy định của pháp luật.

Mặc dù, công dân đến khiếu nại, tố cáo đông, gay gắt, phức tạp nhưng việc tiếp công dân vẫn đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Mọi công dân đến Trụ sở tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước đều được hướng dẫn tận tình, chu đáo. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, Ban dân nguyện đã chủ động phối hợp với các cơ quan hữu quan xử lý kịp thời việc khiếu nại đông người tại Trụ sở tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước và trước trụ sở Văn phòng Quốc hội, không để xảy ra thành “điểm nóng”. Tuy nhiên , công tác dân nguyện trong giải quyết khiếu nại, tố cáo vẫn còn một số tồn tại, vướng mắc sau:

- Công tác giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan của Quốc hội mới chủ yếu dừng lại ở việc chuyển đơn. Việc đôn đốc cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân và trả lời cho các cơ quan của Quốc hội chưa làm được nhiều. Đây cũng là vấn đề khá phức tạp, bởi vì theo quy định tại khoản 2, Điều 86 của Luật khiếu nại, tố cáo thì các cơ quan của Quốc hội chỉ chuyển những đơn khiếu nại của công dân đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết khi phát hiện có vi phạm pháp luật. Nhưng nếu chỉ xem xét, nghiên cứu đơn khiếu nại, tố cáo của công dân thì trong nhiều trường hợp khó có thể khẳng định là cơ quan, cán bộ, công chức nhà nước đã có vi phạm pháp luật gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Việc giám sát chuyên đề về chấp hành pháp luật về khiếu nại, tố cáo chưa được đặt ra; giám sát việc giải quyết một vụ việc khiếu nại cụ thể cũng còn lúng túng. Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XI, Uỷ ban pháp luật cũng tiến hành giám sát được một số trường hợp giải quyết khiếu nại trong lĩnh vực tư pháp, cả về hình sự và dân sự có kết quả, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã có kết luận, chẳng những người dân đã được giải oan, quyền lợi hợp pháp và chính đáng của họ đã được bảo vệ mà điều quan trọng hơn là thông qua hoạt động giám sát cụ thể này đã đưa ra được những yêu cầu, kiến nghị về hoàn thiện văn bản pháp luật, về áp dụng pháp luật của các cơ quan và cán bộ hữu trách, về xử lý cán bộ có vi phạm.... Nhưng vẫn còn có ý kiến băn khoăn về việc làm này, bởi lẽ tiến hành giám sát vụ việc này, còn các vụ việc khác lại không được tiến hành giám sát. Khá nhiều người dân khiếu nại trông đợi ở các cơ quan của Quốc hội về hình thức giám sát. Nhưng rõ ràng là các cơ quan của Quốc hội và bộ máy giúp việc không thể dành nhiều thời gian cho hoạt động giám sát việc giải quyết những vụ việc khiếu nại cụ thể được.

- Khó khăn, vướng mắc về việc tiếp công dân hiện nay là chưa có quy định thống nhất về việc tiếp công dân của Hội đồng dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội và Ban của Uỷ ban thường vụ Quốc hội; Uỷ ban thường vụ Quốc hội chưa tổ chức nơi tiếp công dân cho các cơ quan của Quốc hội nên khi công dân đến khiếu nại, tố cáo với Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội thì đều được hướng dẫn đến Trụ sở tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước. Ban dân nguyện đại diện cho các cơ quan của Quốc hội tham gia tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước và theo sự phân công thì Ban dân nguyện chỉ tiếp công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị liên quan đến hoạt động của Quốc hội, đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội; các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị liên quan đến các hoạt động tư pháp. Do đó, việc tiếp công dân hiện nay của Ban dân nguyện chưa thu thập đầy đủ những ý kiến, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo mà công dân muốn phản ánh đến Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội.

- Việc tiếp nhận, chuyển đơn, thư của công dân trong nội bộ các cơ quan của Quốc hội, Ban của Uỷ ban thường vụ Quốc hội còn lòng vòng; việc chuyển đơn, thư của công dân đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết của Ban dân nguyện và Hội đồng dân tộc, Uỷ ban của Quốc hội còn chồng chéo.

- Công tác giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo còn nhiều hạn chế. Các cơ quan của Quốc hội mới chủ yếu dừng lại ở việc chuyển đơn. Việc đôn đốc cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân và trả lời cho các cơ quan của Quốc hội chưa làm được nhiều. Theo báo cáo của Hội đồng dân tộc cùng với 5 Uỷ ban của Quốc hội và Ban dân nguyện của Uỷ ban thường vụ Quốc hội thì trong năm 2007 các cơ quan này mới chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền để yêu cầu giải quyết được khoảng 10% số đơn nhận được. Đây cũng là vấn đề khá phức tạp, bởi vì theo quy định tại khoản 2, Điều 86 của Luật khiếu nại, tố cáo thì các cơ quan của Quốc hội chỉ chuyển những đơn khiếu nại của công dân đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết khi phát hiện có vi phạm pháp luật. Nhưng nếu chỉ xem xét, nghiên cứu đơn khiếu nại, tố cáo của công dân thì trong nhiều trường hợp khó có thể khẳng định là cơ quan, cán bộ, công chức nhà nước đã có vi phạm pháp luật gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Việc giám sát chuyên đề về chấp hành pháp luật về khiếu nại, tố cáo chưa được đặt ra; giám sát việc giải quyết một vụ việc khiếu nại cụ thể cũng còn lúng túng. Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XI, Uỷ ban pháp luật cũng tiến hành giám sát được một số trường hợp giải quyết khiếu nại trong lĩnh vực tư pháp, cả về hình sự và dân sự có kết quả, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã có kết luận, chẳng những người dân đã được giải oan, quyền lợi hợp pháp và chính đáng của họ đã được bảo vệ mà điều quan trọng hơn là thông qua hoạt động giám sát cụ thể này đã đưa ra được những yêu cầu, kiến nghị về hoàn thiện văn bản pháp luật, về áp dụng pháp luật của các cơ quan và cán bộ hữu trách, về xử lý cán bộ có vi phạm.... Nhưng vẫn còn có ý kiến băn khoăn về việc làm này, bởi lẽ tiến hành giám sát vụ việc này, còn các vụ việc khác lại không được tiến hành hành giám sát. Khá nhiều người dân khiếu nại trông đợi ở các cơ quan của Quốc hội về hình thức giám sát. Nhưng rõ ràng là các cơ quan của Quốc hội và bộ máy giúp việc không thể dành nhiều thời gian cho hoạt động giám sát việc giải quyết những vụ việc khiếu nại cụ thể được.

Một số đề xuất, kiến nghị

Để nâng cao hiệu quả hoạt động công tác dân nguyện, về phần mình Uỷ ban thường vụ Quốc hội sẽ tăng cường hơn nữa việc chỉ đạo, điều hoà, phối hợp hoạt động giữa Hội đồng dân tộc, Uỷ ban của Quốc hội; cho tiến hành rà soát các văn bản pháp luật có liên quan đến công tác dân nguyện của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội để bảo đảm tính thống nhất. Đồng thời, Uỷ ban thường vụ Quốc hội kiến nghị một số vấn đề sau đây:

- Đề nghị Quốc hội sửa đổi Luật hoạt động giám sát của Quốc hội theo hướng quy định cụ thể phạm vi giám sát và trách nhiệm của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội trong việc thực hiện nhiệm vụ quyền hạn giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo; trách nhiệm của các cơ quan trong việc thực hiện các kết luận giám sát.

- Đại biểu Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội tăng cường giám sát việc thi hành pháp luật về khiếu nại, tố cáo và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của chính quyền địa phương, nhất là đối với những vụ việc khiếu nại gay gắt, để giảm bớt tình trạng khiếu nại vượt cấp lên các cơ quan trung ương, góp phần vào việc giải quyết khiếu nại, tố cáo ngay tại cơ sở.

- Đề nghị Chính phủ tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, chính quyền địa phương từng bước nâng cao hiệu quả quản lý hành chính, tìm biện pháp khắc phục những tồn tại, yếu kém trong công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân để giải quyết căn bản các khiếu nại, tố cáo đông người, vượt cấp, khiếu nại gay gắt kéo dài.

- Đề nghị Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cần chỉ đạo cơ quan tư pháp các cấp quan tâm hơn nữa đến công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; có kế hoạch cụ thể tập trung giải quyết dứt điểm những trường hợp khiếu nại, tố cáo bức xúc, kéo dài nhất là khiếu nại đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật sắp hết thời hạn kháng nghị, để tránh tình trạng khi phát hiện có vi phạm pháp luật thì đã hết thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm.

Tóm lại, để phát huy vai trò và nâng cao hiệu quả của công tác dân nguyện, tránh việc dàn trải về thẩm quyền giám sát xử lý các đơn thư khiếu nại thuộc các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội làm việc kiêm nhiệm, đã đến lúc phải xem xét đến việc lập một cơ quan chuyên trách có đủ thẩm quyền và năng lực chuyên môn để giải quyết các kiến nghị, khiếu nại và tố cáo của người dân đó là Uỷ ban Dân nguyện có đầy đủ tính chuyên nghiệp của các chuyên gia làm việc trong một cơ quan có đủ thẩm quyền là hết sức cần thiết. Uỷ ban này sẽ giúp cho Quốc hội trong việc theo dõi, giải quyết các nguyện vọng, đặc biệt là các khiếu nại, tố cáo của người dân gửi đến Quốc hội. Ngoài các thẩm quyền chung của một Uỷ ban của Quốc hội thì Uỷ ban Dân nguyện còn có thẩm quyền quyết định tiến hành điều tra, quyết định khởi tố khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Lê Đức Trung

Viện Khoa học Thanh tra

theo www.giri.ac.vn

 
 

Thiết kế bởi Cục Thống kê tỉnh Bình Thuận

Chuyên trang Khiếu nại tố cáo
Chiệu tránh nhiệm chính: Thanh tra tỉnh Bình Thuận
Địa chỉ: 91 Tôn Đức Thắng, Tp. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận
Điện thoại: 0252.3825832 - Fax : 0252.3825832
Email: tt@binhthuan.gov.vn