Nghiệm thu, bàn giao công trình thực hiện phong trào “Chung sức, chung lòng xây dựng nông thôn mới” của Khối Thi đua 9 cho nhân dân thôn Dốc Lăng, xã Thuận Minh, huyện Hàm Thuận Bắc
Uỷ ban nhân dân tỉnh đồng ý chủ trương chấm dứt hoạt động của dự án nhà Nghỉ điều dưỡng Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam.
Kết luận thanh tra trách nhiệm người đứng đầu trong việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng đối với Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Triển khai thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng đối với Giám đốc Sở Thông tin và truyền thông
Ủy ban nhân dân tỉnh thu hồi dự án khu du lịch Tân An Thịnh
Gia hạn thời gian báo cáo vụ việc của ông Đào Hữu Bá
Trả lời đơn của công dân
 

 Du lịch Bình Thuận qua ảnh

 

Thuật ngữ “khiếu kiện” – đâu là cách sử dụng đúng

Hiện nay, trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, một thuật ngữ được sử dụng khá phổ biến là “khiếu kiện”.

Trong nhiều trường hợp, thuật ngữ này được người sử dụng đồng nhất hoặc dùng để thay thế cho một số thuật ngữ khác như: khiếu nại, tố cáo, khiếu tố… Điều đó có lẽ đã trở thành thói quen nên dường như người ta không nghi hoặc về tính chính xác, hợp lý của nó. Tuy nhiên, khi nhìn nhận lại một cách thận trọng hơn thì việc sử dụng thuật ngữ “khiếu kiện” hiện nay đang phải đối mặt với những bất cập không chỉ về phương diện ngữ nghĩa mà còn ở góc độ pháp lý của nó.

Thứ nhất, không khó khăn để nhận ra rằng từ “khiếu kiện” không có mặt trong các cuốn từ điển tiếng Việt có uy tín hiện nay như: Từ điển tiếng Việt của Hoàng Phê (NXB Đà Nẵng, 1995); Đại từ điển tiếng Việt (Nguyễn Như Ý chủ biên, NXB Văn hóa - Thông tin, 1998)… Ngay cả những từ điển chuyên ngành như Từ điển Luật học của Viện khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp (NXB Tư pháp & NXB Từ điển bách khoa, 2006); Từ điển giải thích thuật ngữ hành chính (GS Mai Hữu Khuê & PGS.TS Bùi Văn Nhơn chủ biên, NXB Lao động, 2001) cũng không có mục từ “khiếu kiện”. Thay vào đó, chỉ có sự giải nghĩa các từ tương tự như: khiếu nại, khiếu oan, khiếu tố… Và điều đáng lưu ý là trong việc giải nghĩa các từ nói trên cũng chưa có từ điển tiếng Việt nào cho rằng chúng đồng nghĩa với từ “khiếu kiện”. Điều duy nhất mà người ta có thể nhận thấy khi so sánh từ “khiếu kiện” với các từ nói trên chỉ là nó cũng bắt đầu bằng một đơn vị từ vựng gốc Hán là “khiếu”, có nghĩa là: 1/ Các lỗ trên cơ thể con người. 2/ Khả năng đặc biệt có tính bẩm sinh. 3/ Cách nói tắt của khiếu nại hoặc khiếu oan. Điều này khiến cho việc tra cứu nghĩa của từ “khiếu kiện” trở thành bế tắc. Như vậy, phải chăng “khiếu kiện” là một sản phẩm mới của ngôn ngữ tiếng Việt trong giai đoạn gần đây?

Thứ hai, ở phương diện khoa học pháp lý hành chính thì thuật ngữ “khiếu kiện” cũng không tồn tại trong các văn bản quy phạm pháp luật quan trọng như Luật Khiếu nại, tố cáo năm 1998 (sửa đổi năm 2004, 2005); Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính năm 2002 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính năm 2007; Luật Thanh tra năm 2004; Luật Cán bộ, công chức năm 2008 (trước đó là Pháp lệnh cán bộ, công chức năm 1998)… Trong các văn bản quy phạm pháp luật trên đây đều chỉ sử dụng các thuật ngữ khiếu nại, tố cáo với nghĩa như chúng đã được giải thích và sử dụng trong Luật Khiếu nại, tố cáo hiện hành. Như vậy, thuật ngữ “khiếu kiện” chỉ chính thức hiện diện trong một văn bản quy phạm pháp luật ở nước ta hiện nay, đó là “Pháp lệnh thủ tục giải quyết vụ án hành chính” năm 1996 (sửa đổi, bổ sung vào năm 1998 và 2006). Trong Pháp lệnh này, bên cạnh thuật ngữ khiếu nại thì thuật ngữ “khiếu kiện” được sử dụng tại một số điều. Chẳng hạn, Điều 2 quy định những trường hợp (điều kiện) mà cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền khởi kiện; Điều 11 quy định về các khiếu kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án; Điều 12 quy định thẩm quyền giải quyết khiếu kiện của Tòa án nhân dân cấp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh v.v… Nhưng điều gây ngạc nhiên là thuật ngữ này lại không được giải thích trong Điều 4 của văn bản đó như nhà làm luật đã làm với các thuật ngữ khác. Ngay cả 2 lần sửa đổi, bổ sung sau đó đối với Pháp lệnh thủ tục giải quyết vụ án hành chính (vào năm 1998 và 2006) thì bất cập này vẫn không được khắc phục. Vô hình trung, điều đó đã tạo ra cách hiểu và sử dụng không thống nhất, thậm chí không chính xác trong nhiều trường hợp đối với thuật ngữ “khiếu kiện”. Ví như, người ta vẫn nói theo kiểu: “Hiện nay, tình hình khiếu kiện tràn lan ở các địa phương…”; hoặc “chính quyền địa phương vẫn chưa có phương cách hiệu quả để giảm thiểu khiếu kiện của nhân dân” v.v…

Vì thế, với những ai quan tâm thì chỉ còn cách tự mình tìm hiểu, suy luận về ngữ nghĩa của nó thông qua các quy định của Pháp lệnh mà thôi. Trong các quy định có liên quan đến thuật ngữ “khiếu kiện” của Pháp lệnh nói trên thì những quy định của Điều 2 cho phép người ta suy luận về nghĩa của nó nhiều nhất. Theo đó, có thể hiểu đơn giản: khiếu kiện chính là khiếu nại đã được (bị) chủ thể của nó (cá nhân, cơ quan, tổ chức) khởi kiện ra Tòa án để yêu cầu giải quyết theo những điều kiện, thủ tục được quy định của pháp luật. Nếu hiểu như vậy, sẽ rất khó nhầm lẫn “khiếu kiện” với khiếu nại hay lẫn lộn nó với khiếu tố, khiếu oan… Tuy nhiên, không phải ai cũng có điều kiện để làm được điều đó. Và người ta có quyền đặt câu hỏi: phải chăng nhà làm luật cho rằng: đã là người Việt Nam thì ai cũng hiểu thế nào là “khiếu kiện” và phân biệt được nó với những thuật ngữ tương tự; hoặc họ có thể suy luận ra nghĩa của nó từ những quy định của Pháp lệnh nên vấn đề giải thích từ ngữ không cần đặt ra? Trong khi đó, chỉ cần một sự giải thích trong chính Pháp lệnh nói trên thì mọi chuyện có thể trở nên đơn giản và thuận lợi hơn rất nhiều. Thiết nghĩ, rất nên coi vấn đề này như một yêu cầu nghiêm túc được đặt ra trong quá trình xây dựng và hoàn thiện pháp luật tố tụng hành chính trong thời gian tới!./.

TS. Vũ Anh Tuấn

Học viện Chính trị - Hành chính khu vực III

nguồn giri.ac.vn

 
 

Thiết kế bởi Cục Thống kê tỉnh Bình Thuận

Chuyên trang Khiếu nại tố cáo
Chiệu tránh nhiệm chính: Thanh tra tỉnh Bình Thuận
Địa chỉ: 91 Tôn Đức Thắng, Tp. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận
Điện thoại: 0252.3825832 - Fax : 0252.3825832
Email: tt@binhthuan.gov.vn